Muốn du lịch phát triển, phải tạo môi trường sạch, an toàn

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on skype
Skype

Ngày 13/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ quan điểm: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng hiện đại và đi vào chiều sâu, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP; phát triển du lịch bền vững, sáng tạo, trên nền tảng tăng trưởng xanh…

Khách quốc tế thích thú khi được tự chèo thuyền tham quan vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) ẢNH: P.H.
Khách quốc tế thích thú khi được tự chèo thuyền tham quan vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) – Ảnh: P.H.

Theo bản quy hoạch trên, năm 2025, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 – 9%/năm.

Ông Phạm Hà – Chủ tịch Hội đồng quản trị Lux Group, chuyên cung cấp dịch vụ du thuyền hạng sang – cho rằng, trong 5 tháng đầu năm 2024, việc Việt Nam đón gần 7,6 triệu lượt khách quốc tế là tín hiệu tích cực, nhưng không dễ để đạt được 25-28 triệu lượt vào năm 2025, nhất là khi ngành du lịch đang thiếu “nhạc trưởng” dẫn dắt, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và việc quản lý điểm đến còn chưa hiệu quả.

Theo ông, bên cạnh chỉ tiêu về số lượt khách, không thể bỏ ngỏ chất lượng du khách. Nếu 25-28 triệu lượt khách đến từ các thị trường giàu có, lưu trú lâu, chi tiêu nhiều thì doanh thu, lợi nhuận cao, còn nếu phần lớn du khách đến Việt Nam theo các tour giá rẻ, không chi tiêu nhiều thì con số trên không mang nhiều ý nghĩa.

Do đó, ông đề xuất: “Có thể đặt mục tiêu tăng gấp đôi mức chi tiêu của khách khi đến Việt Nam, từ 1.200 USD lên 2.400 USD/khách”. Ông cũng cho rằng, việc thu hút khách quay lại nhiều lần cũng rất quan trọng, giúp duy trì và tăng trưởng lượng du khách một cách ổn định, lâu dài. Thái Lan luôn có lượng du khách đông đảo hằng năm bởi nhiều người đến đó không chỉ vài lần mà hàng chục lần trong đời, hầu như năm nào cũng chọn đến Thái Lan.

Ông Trần Thế Dũng – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour – cũng quan tâm đến chất lượng du khách: “Việc quá xem trọng số lượng mà không chú trọng vào chất lượng nguồn khách sẽ dẫn đến những tác động xấu đối với môi trường, văn hóa, xã hội. Hơn nữa, việc đón khách ồ ạt sẽ làm mất đi nguồn khách mục tiêu – là nguồn khách mang lại nguồn thu lớn. Nên đa dạng hóa nguồn khách để tránh phụ thuộc”. Ông góp ý, ngành du lịch nên phân loại nguồn khách, xem họ vào du lịch thuần túy hay vì mục đích khác để có sự đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nguồn nhân lực cho phù hợp.

Khách du lịch ngồi ca nô tham quan các điểm du lịch sinh thái ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 20/6
Khách du lịch ngồi ca nô tham quan các điểm du lịch sinh thái ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 20/6

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng – cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu và chỉ tiêu trong bản quy hoạch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần giao Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vai trò, chức năng, nhiệm vụ lớn hơn, rõ ràng hơn để dẫn dắt, điều phối hoạt động của ngành. Thực tế là du lịch Việt Nam lâu nay vẫn còn nặng tính tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm, chưa cho thấy rõ tính bài bản, nhất quán.

Ông Cao Trí Dũng cho hay, từ lâu, Việt Nam đã có quỹ xúc tiến du lịch quốc gia để quảng bá du lịch, nhưng vai trò của quỹ trên thực tế rất mờ nhạt, việc giải ngân khó khăn dẫn đến không hỗ trợ được gì nhiều cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia. Ông nói: “Việt Nam có tiềm năng du lịch rất lớn, nhưng quỹ cho phát triển du lịch lại nhỏ nhất trong khu vực, đã vậy còn khó giải ngân thì làm sao cạnh tranh? Cho nên những năm qua, công tác quảng bá, xúc tiến của chúng ta rời rạc, ít hiệu quả”.

Theo ông, Việt Nam đang yếu và thiếu giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu du lịch quốc gia với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Khi khách quốc tế tìm kiếm thông tin du lịch ở khu vực này, họ thấy Thái Lan, Singapore nổi trội về mọi mặt. Do đó, cơ quan phụ trách du lịch của quốc gia phải nâng cao năng lực tiếp cận du khách, chẳng hạn có kế hoạch thu hút khách bài bản nhưng cũng có các thủ thuật tạo sự kiện, tạo xu hướng (trend) thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Đoàn khách du lịch xem rùa biển đẻ trứng ở hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Đoàn khách du lịch xem rùa biển đẻ trứng ở hòn Bảy Cạnh, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Ông dẫn chứng, việc đưa vào hoạt động Cầu Vàng ở khu du lịch Bà Nà Hill (TP Đà Nẵng) với kiến trúc độc đáo (2 bàn tay rêu phong đỡ lấy thân cầu) đã tạo “sốt” trên cộng đồng mạng thế giới trong 2 năm 2018-2019 với hàng triệu bài đánh giá (review) của giới chuyên gia du lịch lẫn du khách bình dân. Tuy nhiên, sự kiện như thế này vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, có yếu tố may mắn, chưa mang tầm quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia. Ngành quản lý du lịch cần có chiến lược cạnh tranh về điểm đến của quốc gia, từ đó kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương trên cả nước tham gia sáng tạo chuỗi sản phẩm độc đáo, có sự liên kết cao giữa các điểm đến, các dịch vụ. Đồng thời, tập trung nguồn lực quảng bá, tiếp thị sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube, Instagram…).

Cũng theo ông Cao Trí Dũng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có biện pháp nâng cao năng lực quản lý các điểm đến, bao gồm cả việc tạo ra môi trường an ninh, an toàn, sạch sẽ trong lành, sự hiếu khách của cư dân. Trong thời đại số, chỉ cần một điểm du lịch nhiều rác, một dịch vụ nào đó làm ăn chụp giật là hình ảnh xấu sẽ lan truyền rất nhanh, uy tín của ngành du lịch Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tức thì và lâu dài.

Những định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng

Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu tổng quát: năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Bản quy hoạch nêu chỉ tiêu cụ thể: năm 2025, phấn đấu đón từ 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp. Năm 2025, du lịch đóng góp trực tiếp 8 – 9% trong GDP và năm 2030 đóng góp trực tiếp 13 – 14% trong GDP. Đến năm 2030, 100% khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

Đến năm 2045, phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7,3 triệu tỉ đồng, đóng góp trực tiếp 17 – 18% trong GDP.

Bản quy hoạch cũng định hướng phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch, hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia…

 

 

TPHCM sẽ sớm công bố chiến lược phát triển du lịch

Sở Du lịch TPHCM đang hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển du lịch để sớm trình UBND TPHCM xem xét, thông qua. Bản chiến lược này phải phù hợp với chiến lược phát triển du lịch chung của Việt Nam và định hướng quy hoạch phát triển chung của TPHCM.

Bản chiến lược này bao gồm cả hạ tầng phục vụ du lịch như sân bay, các sản phẩm bổ trợ, công tác quảng bá, mời gọi khách quốc tế, trong đó nhắm đến các thị trường chất lượng. Sở cũng phối hợp với các hiệp hội du lịch cập nhật các chính sách du lịch của các nước xung quanh – nhất là chính sách về thị thực (visa) – để kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi chính sách theo hướng thoáng hơn, hấp dẫn du khách hơn nữa.

Ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM

Môi trường sạch đẹp phải là ưu tiên hàng đầu

Xây dựng các đề án, quy hoạch phát triển du lịch là phần cứng, mang tính chất định hướng, còn “phần mềm” mới là thứ tác động trực tiếp đến du khách. Nhưng chúng ta chưa xây dựng được “phần mềm” tốt, chẳng hạn như môi trường du lịch thân thiện. Tiêu chí đầu tiên của môi trường là sạch, tức là không có rác trên bờ biển, trên dòng sông. Việt Nam chưa tạo được môi trường sạch.

Lào không đầu tư xây dựng các condotel, resort lớn như Việt Nam nhưng họ giữ dòng sông sạch, làng bản sạch nên du khách rất thích tới ở lại dài ngày. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều resort đẹp nhưng xung quanh toàn rác thải. Chúng ta không chịu làm những việc nhỏ, dễ thực thi mà thích xây dựng những chương trình lớn, đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng.

Du lịch là ngành kinh doanh dịch vụ; nếu chúng ta quảng cáo tốt để khách hàng mua ồ ạt mà chất lượng dịch vụ không tốt thì họ sẽ không mua tiếp nữa, chúng ta lại tốn tiền làm quảng cáo cho khách mới. Thực tế, khách quốc tế đến Việt Nam nhiều nhưng lượng người quay trở lại lần 2, lần 3 không đáng kể. Du khách quay lại chứng tỏ dịch vụ du lịch của Việt Nam tốt, tốt thì số cũ quay lại và rủ thêm số mới, lượng khách sẽ mỗi năm một đông thêm.

Bên cạnh môi trường sạch, các địa phương cũng cần giữ bản sắc văn hóa lễ hội ở địa phương mình. Việt Nam có rất nhiều lễ hội nhưng đang mất dần yếu tố dân gian. Mỗi địa phương chỉ cần chọn một lễ hội đặc sắc nhất để quảng bá thì du khách sẽ đi khắp cả nước để tham gia lễ hội. Lễ hội văn hóa phải giữ được cái hồn của làng bản và cấp trung ương cần có chính sách để hỗ trợ các địa phương duy trì các lễ hội này. Chỉ cần môi trường sống sạch sẽ, lễ hội đúng bản sắc văn hóa địa phương thì Việt Nam sẽ có một lượng du khách bền vững.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế

Cần những chính sách hỗ trợ cụ thể

Các mục tiêu, chỉ tiêu trong bản quy hoạch có phần tham vọng bởi thời gian qua, ngành du lịch chưa có sự phát triển đột biến nào. Việt Nam chưa có đột phá về chính sách, về sản phẩm du lịch hay các địa điểm du lịch mới.

Như ở đồng bằng sông Cửu Long, từ sau đợt dịch COVID-19 năm 2021 đến nay, hoạt động du lịch khá ảm đạm. Du khách ít, các công ty du lịch cũng hoạt động cầm chừng, không dám mở những khu du lịch lớn hay xây dựng những sản phẩm mới. Họ ngóng chờ chứ không hăng hái đầu tư, nên chưa có điểm gì cho thấy sức bật.

Trên bình diện cả nước, chúng ta cũng chưa thấy sự đột phá nào trong phát triển du lịch, chính sách nhà nước cũng chưa có gì mới, vé máy bay vẫn đắt đỏ. Trong khi đó, các nước luôn có những chính sách mới, sản phẩm mới để hỗ trợ phát triển du lịch, như nới lỏng chính sách visa, tăng thời gian lưu trú cho du khách theo diện miễn thị thực, tăng các địa điểm giải trí về đêm…

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần giữ gìn môi trường sạch sẽ, có chính sách kích cầu du lịch, có chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng vùng, từng địa phương, chẳng hạn như hỗ trợ các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển về hạ tầng giao thông.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng

Hà Duyên – Quốc Thái (ghi)

Quốc Thái