Cần Thơ – Chiều ngày 12.6, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Cái Răng về tình hình phát triển kinh tế 5 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 7 tháng cuối năm 2023, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu đặc biệt quan tâm đến vấn đề tăng cường xử lý các sai phạm để bảo tồn, xây dựng lại hình ảnh cho chợ nổi Cái Răng trong mắt du khách.
Cần có chế tài
Bà Đào Thị Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP Cần Thơ cho biết, Cái Răng là một trong những quận cửa ngõ của thành phố với nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử để du khách đến tham quan, trong đó có chợ nổi Cái Răng. Đây là một trong những chợ nổi lớn nhất Đồng bằng Sông Cửu Long với hơn 100 năm tuổi.
Theo bà Thúy, dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cũng như được thành phố đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy. Nhưng hiện tại, tình trạng tàu, thuyền chở du khách hoạt động tự do không được quản lí, cũng như hình ảnh rác thải bừa bãi đã làm phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến bộ mặt của du lịch chợ nổi Cái Răng nói riêng và du lịch Cần Thơ nói chung.
Trước thực trạng, Sở VHTTDL TP Cần Thơ rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ Công an và Sở Giao thông vận tải trong việc cấp phép cho tàu chuyên chở khách du lịch. Đồng thời, công tác xử lý, xử phạt hành chính cần phải đẩy mạnh, đảm bảo được chế tài để người dân chấp hành.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương quận Cái Răng và quận Ninh Kiều. Trong đó, cần phải tăng cường xử lý những trường hợp đưa đò, thuyền nhưng có thái độ không tốt và bỏ khách.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng đề nghị cần tập trung triển khai phong trào xây dựng nếp sống văn minh xanh – sạch – đẹp. Trong cán bộ Đảng viên, hội viên, đoàn viên,.. phải tích cực hưởng ứng.
Theo Bí thư Thành ủy, Cần Thơ là một thành phố du lịch, thái độ, cách ứng xử với khách du lịch là vô cùng quan trọng. Cho nên, phải kịp thời xử lý để chấn chỉnh những hình ảnh tiêu cực. Ở đây, đòi hỏi vai trò của cấp ủy, vào cuộc của chính quyền, đoàn thể từ quận, phường đến khu phố.
Đầu tư tương thích với giá trị của chợ nổi Cái Răng
Về một số việc liên quan đến đầu tư chợ nổi Cái Răng, Bí thư Thành ủy cho rằng, nếu cứ loay hoay với du lịch nhỏ lẻ như hiện nay thì vẫn chưa xứng tầm. Cho nên, địa phương cần phải sớm đề ra mong muốn ở dự án trung tâm thương mại gắn với phát triển thương mại, du lịch.
Bí thư Thành ủy cho hay, hiện tại, chợ nổi đang có dấu hiệu đi xuống, nếu không tác động thì sẽ còn đi xuống hơn nữa. Do đó, việc đổi mới tư duy, tầm nhìn, cách tiếp cận là vô cùng quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo.
Ông Hiếu đề nghị cần có chủ trương sớm tạo điều kiện cho lãnh đạo thành phố, một số sở, ngành, lãnh đạo của 2 quận Ninh Kiều và Cái Răng sang nước ngoài tìm tòi, học tập kinh nghiệm, mà gần nhất là mô hình chợ nổi của Thái Lan.
Ông Lê Tiến Dũng – Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ chia sẻ, đề án bảo tồn chợ nổi Cái Răng được phê duyệt vào tháng 7.2016 với mục tiêu xây dựng chợ nổi Cái Răng trở thành đầu mối trung chuyển hàng nông sản của vùng đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Bởi thực tế cho thấy, mô hình chợ nổi bây giờ cạnh tranh rất khó khăn, không thể cạnh tranh với các khu chợ truyền thống, chợ hiện đại.
Thêm vào đó, thời điểm phê duyệt, đề án có tổng mức đầu tư là có 63 tỉ. Trong đó, ngân sách đầu tư chỉ có 13 tỉ. Với số tiền 13 tỉ chỉ có thể xây dựng được các công trình cầu có quy mô nhỏ, phần còn lại là xã hội hóa 50 tỉ đồng.
Ông Dũng cũng cho rằng, đề án nên được trình cho lãnh đạo xem xét lại và điều chỉnh cho phù hợp để bảo tồn chợ nổi Cái Răng thay vì phát triển theo vai trò chợ đầu mối trung chuyển như mong muốn ban đầu.
Đặc biệt, việc đầu tư vào dự án chợ nổi Cái Răng như hiện tại là chưa tương thích với vai trò, lịch sử của chợ nổi. Cho nên, để bảo tồn cần phải đầu tư nhiều hơn nữa, có thể bằng hình thức xã hội hóa. Sau đó sẽ lấy lại bằng các dịch vụ, loại hình thương mại, thu thuế…