Gần 1 tuần trôi qua kể từ khi Hội thi “Nét đẹp Áo bà ba xưa và nay” khép lại với những tín hiệu tích cực từ cộng đồng. Kết quả chung cuộc, thí sinh Võ Thị Tuyết Mai – 16 tuổi, đến từ Quận Ô Môn, TP Cần Thơ đã giành giải nhất bảng A1 và chính thức đại diện cho gần 300 thí sinh dự thi trở thành “Đại sứ Áo bà ba năm 2023”. Đến nay, Tuyết Mai đã có những chia sẻ đầu tiên về quá trình chạm đến danh hiệu cao nhất với phóng viên Gia đình Việt Nam.
Ngày 11/5, tại Điểm dừng chân Chợ nổi Cái Răng đã diễn ra đêm chung kết Hội thi “Nét đẹp Áo bà ba xưa và nay” với sự góp mặt của 46 thí sinh đã xuất sắc vượt qua các vòng thi. Được biết, đây là lần đầu tiên Hội thi được diễn ra trong khuôn khổ “Ngày hội văn hóa du lịch chợ nổi Cái Răng lần thứ 7 – năm 2023”. Sau 2 tuần phát động, Hội thi đã nhanh chóng nhận được rất nhiều sự ủng hộ và hưởng ứng từ cộng đồng. Trong gần 300 hồ sơ đăng kí, BTC nhận thấy có sự đa dạng về độ tuổi, trong đó thấp nhất là 16 và cao nhất là 74 tuổi đến từ khắp nơi trên cả nước. Và cô gái 16 tuổi đến từ quận Ô Môn, TP Cần Thơ – Võ Thị Tuyết Mai đã xuất sắc nhận được danh hiệu cao nhất của hội thi – Đại sứ Áo bà ba năm 2023.
Thu hút mọi ánh nhìn bởi nét ngây thơ, trong sáng cùng đôi mắt biết cười, Tuyết Mai đã thuyết phục người xem bằng sự duyên dáng, tài năng và am hiểu của mình về Áo bà ba – một sắc phục truyền thống của miền Tây Nam Bộ thân thương.
Phóng viên đã có buổi phỏng vấn thân mật với Tuyết Mai giữa thời điểm cảm xúc của bạn còn đang thăng hoa, để lắng nghe những chia sẻ chân thật từ cô gái 16 tuổi đến từ Quận Ô Môn trong một vai trò và sứ mệnh hoàn toàn mới – Đại sứ Áo bà ba năm 2023.
Chào Mai, cảm xúc của bạn như thế nào sau cuộc thi ?
Đến giờ phút này, em vẫn còn bồi hồi và lâng lâng với kết quả mình nhận được. Ngay từ lúc đăng ký tham gia, em nghĩ bản thân đến đây chỉ để thử sức và có được cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các anh chị, cô chú đến từ mọi miền Tổ quốc. May mắn đạt được danh hiệu cao nhất, em vô cùng biết ơn và trân trọng, song song đó, em sẽ cố gắng để làm tốt trọng trách, nghĩa vụ của mình đối với quê hương xứ sở.
Cơ duyên mang bạn đến với cuộc thi này là gì ?
Đến với cuộc thi là một cái duyên, em được biết thông tin qua mạng và cũng muốn thử sức mình trên một sân chơi lớn, đầy ý nghĩa như thế này. Thế hệ Gen Z như em đây thật sự rất cần được vun bồi về mặt tình cảm, cảm xúc với những chiếc Áo bà ba. Bởi trang phục này ngày nay là một nét văn hóa không chỉ của riêng miền Tây Nam Bộ mà còn của cả dân tộc Việt Nam. Em muốn đóng góp sức lực của mình vào công tác tuyên truyền, gìn giữ và đưa hình ảnh Áo bà ba Việt Nam vươn ra thế giới.
Ngay khi được xướng tên danh hiệu “Đại sứ Áo bà ba”, cảm xúc của bạn lúc đó như thế nào?
“Bất ngờ – vỡ òa – xúc động” là những từ em có thể hình dung được trong khoảnh khắc em biết mình nhận được danh hiệu này. Đối với em, đây là sân chơi lớn đầu tiên em được tham gia, và em đã có những trải nghiệm trên cả tuyệt vời!
Ai là người truyền động lực và cảm hứng lớn nhất cho bạn trong cuộc sống và trong lúc bạn tham gia Hội thi ?
Trong cuộc sống, gia đình chính là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho em, đặc biệt là mẹ – người luôn đồng hành cùng em trong mọi cột mốc quan trọng, là bờ vai vững chắc để em tựa vào những lúc gặp áp lực trong học tập, cuộc sống. Trước khi đi thi, ba mẹ có động viên em rằng “Thắng thua không quan trọng, bằng sự trải nghiệm và vượt qua chính mình, ba mẹ tin là con gái sẽ làm được”.
Ai là người chọn trang phục cho bạn đi thi?
Về trang phục dự thi, mẹ là người đích thân chọn cho em. Dù cách nhau về thế hệ nhưng những bộ bà ba mẹ chọn cho con gái đều rất trẻ trung, năng động, phù hợp với lứa tuổi của em, giúp em thêm phần tự tin khi sải bước trình diễn trên sân khấu.
Ở độ tuổi 16, vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, bạn nghĩ gì về việc đăng quang khi còn khá trẻ?
Sau khi nhận được danh hiệu này, em vừa mừng mà cũng vừa lo. Bởi tuổi đời còn quá nhỏ, em không biết mình có thể đảm đương trọng trách này được hay không. Nhưng em tin rằng, bên cạnh em vẫn còn có những người thầy, người cô, và cả gia đình sẽ luôn hỗ trợ, động viên và giúp em vững bước trên con đường sắp tới.
Theo bạn, vai trò của Áo bà ba trong xã hội ngày nay như thế nào ?
Nếu nói Áo dài là quốc phục của Việt Nam thì Áo bà ba chính là sắc phục của miền Tây Nam Bộ. Thế hệ Gen Z của chúng em cảm thấy rất may mắn vì được thừa hưởng các giá trị tốt đẹp của ông cha để lại cho mình. Hình ảnh Áo bà ba đã gắn liền với thời chiến, với mùa vụ, với những hoạt động sản xuất, mua bán và trao đổi trên sông nước của con người và vùng đất Nam Bộ thân thương, nghĩa tình này. Trong quá trình phát triển và nhu cầu thị hiếu ngày càng cao, chúng ta có thể sẽ ít quan tâm và ưu tiên dùng trang phục này để đi chơi, đi du lịch. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực từ Hội thi, em tin chắc rằng tất cả người dân miền Tây sẽ vô cùng tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất phù sa màu mỡ, được là người con của thủ phủ miền Tây, được vỗ ngực – xưng tên với bạn bè quốc tế về sắc phục của quê hương, xứ sở.
Bạn có cảm nhận gì về chất lượng thí sinh năm nay ?
Về Hội thi đã có gần 300 thí sinh tham gia, ai cũng đẹp và có thành tích cao về trình độ, học vấn cũng như chuyên môn, ở mỗi người đều có nét tính cách rất riêng, vô cùng duyên dáng và hào sảng. Trong quá trình dự thi các vòng, em đã được các anh chị, cô chú bao bọc, chở che như người thân trong gia đình và em cảm thấy mọi người không ai đặt nặng vấn đề giải thưởng, danh hiệu, ai chiến thắng không quan trọng, chỉ cần cùng nhau mang được thông điệp và tình yêu đối với Áo bà ba đến gần hơn với du khách gần xa đã là một điều đáng quý.
Bạn đã có những kế hoạch gì để phát triển hình ảnh của Áo bà ba đến với cộng đồng, đặc biệt là cho phong trào của Nhà trường thời gian tới ?
Về phía cộng đồng, sắp tới đây em sẽ cùng với địa phương có những kế hoạch tham gia tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, và tất nhiên trong những hoạt động đó, em và mọi người sẽ mặc trang phục Áo bà ba để đi tham quan, nhằm thu hút ánh nhìn và cảm nhận của du khách gần xa về sắc phục của miền Tây chúng ta. Bên cạnh đó, trong các sự kiện trọng đại của thành phố, em cũng sẽ tích cực tham gia để chia sẻ, lan tỏa tình yêu Áo bà ba đến với mọi người, đóng góp những hoạt động thiện nguyện như: quyên góp Áo bà ba cho người khó khăn – Ai cần đến lấy ai thừa cứ cho; Các hội thi thiết kế, sáng tạo hình ảnh trên chiếc Áo bà ba; Các cuộc thi viết về câu chuyện của Áo bà ba,… Và còn rất nhiều ý tưởng khác được em ấp ủ ngay khi biết đến Hội thi này, em sẽ cố gắng hoàn thành một cách tốt nhất.
Về phía nhà trường, em sẽ tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền của Đoàn, kết hợp trao đổi với quý Ban giám hiệu về việc tham gia hưởng ứng cho các hoạt động tại buổi chào cờ, tại các ngày lễ lớn của trường, của địa phương, mang hình ảnh Áo bà ba lan tỏa tới các bạn học sinh trong trường, không chỉ hướng tới nữ sinh mà em mong muốn các bạn nam cũng sẽ yêu thích trang phục này, mong muốn mọi người sẽ cùng nhau chung tay lan tỏa tình yêu, hình ảnh đẹp của Áo bà ba đến với cộng đồng trong và ngoài nước.
Bạn có cảm nhận như thế nào khi được mặc trang phục Áo bà ba check-in những địa điểm du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của địa phương ?
Trong 2 tuần tham gia Hội thi, em và các bạn thí sinh đã được Ban tổ chức ưu ái, trao cơ hội đi đến nhiều nơi, ghé thăm những di dích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng một thời của thủ phủ miền Tây. Trong quá trình tham quan, mọi người sẽ mặc những chiếc Áo bà ba đầy màu sắc để chụp ảnh, check – in địa điểm và lan tỏa thông điệp tích cực về Áo bà ba đến du khách tham quan. Có rất nhiều người đến và tìm hiểu về trang phục của các thí sinh, em cảm thấy đây là một dấu hiệu tích cực, hiệu quả và vô cùng thiết thực mà Hội thi đã mang lại, góp phần thành công cho công tác tuyên truyền, phát triển “văn hóa mặc” của người miền Tây chân chất, hào sảng và vô cùng thật thà.
– Cảm ơn Mai đã dành thời gian để chia sẻ những kỷ niệm vô cùng quý báu. Chúc bạn sẽ thành công trong một vai trò hoàn toàn mới.
Sau đây là cuộc trò chuyện bên lề cuộc thi với Thầy Nguyễn Phú – UV BCH Hội Người mẫu Việt Nam, Giám đốc Công ty Người mẫu Tây Đô. Thầy là thành viên Ban giám khảo (BGK) Hội thi “Nét đẹp Áo bà ba xưa và nay”:
Tiêu chí đánh giá của Ban giám khảo cuộc thi năm nay là gì thưa thầy ?
Nội dung chủ yếu BGK Hội thi hướng tới là phải chọn đúng và chọn chính xác để làm sao tạo được niềm tin cho tất cả các thí sinh năm sau tự tin đăng ký tham gia dự thi. Tiêu chí đánh giá ở đây là nét đẹp phải hội đủ các yếu tố, đầu tiên là yếu tố cần: đẹp từ trang phục, vốc dáng; đẹp từ gương mặt, từ ánh nhìn, ánh mắt và từ cái biểu cảm của từng thí sinh. Sau đó là yếu tố đủ, yếu tố quyết định: thí sinh phải lan toả được tình yêu đối với Áo bà ba đến người xem, truyền tải thông điệp trang phục trình diễn một cách có hồn và có tâm nhất.
Về trang phục Áo bà ba, chúng tôi đã để các thí sinh được tự do lựa chọn, sáng tạo trang phục sao cho phù hợp với vóc dáng, sở thích và cá tính của từng người. Chúng tôi mong muốn sự đơn giản, mộc mạc và các bạn thí sinh phải được thoải mái thể hiện trong trang phục mình đã chọn. Tiêu chí trang phục không khó, ai tôn vinh và lột tả được vẻ đẹp của trang phục Áo bà ba mình đang mặc thì người đó ghi điểm.
Theo thầy, vai trò “Đại sứ áo bà ba” sẽ có sứ mệnh và trọng trách gì đối với công tác bảo tồn và phát triển “văn hóa mặc” của người miền Tây Nam Bộ?
Khép lại Hội thi, điều mà tôi và những người làm chương trình này mong muốn nhất chính là tạo được sự phủ sóng rộng khắp cho hình ảnh của Áo bà ba đến từ miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, nói trọng trách thì có phần nặng nề, chúng tôi gọi đây là niềm vinh hạnh cho bạn đại sứ bởi hình ảnh Áo bà ba và bạn sẽ cùng đồng hành trong các sự kiện lớn, sự kiện quan trọng của địa phương, đặc biệt là thực hiện công tác tuyên truyền đến bạn bè, du khách Quốc tế về hình ảnh bạn đang đại diện.
Đối với độ tuổi của Mai hiện giờ, khi đảm nhiệm cương vị này sẽ là khoảng thời gian thuận lợi để em phát huy được thế mạnh của mình, sự thùy mị, e ấp sẽ giúp em lan tỏa tình yêu thuần khiết đối với Áo bà ba đến với mọi nơi, để Áo bà ba mãi trường tồn trong lòng tất cả mọi người. Tương lai, Võ Thị Tuyết Mai sẽ phải tạo được hình ảnh là một người trẻ nhưng đã biết nâng niu, trân trọng và kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, của dân tộc. Đó là đối với riêng Tuyết Mai.
Còn đối với mỗi cá nhân, tổ chức phải có nghĩa vụ bảo tồn, tôn vinh và nhân rộng hình ảnh Áo bà ba đến với du khách thập phương, bởi nó đại diện cho văn hóa và con người Nam Bộ, mộc mạc, hiền hòa nhưng rất bản lĩnh, tự tin.
Thầy đánh giá như thế nào về phần thi của Tuyết Mai ?
Cái đầu tiên mà tôi nhìn thấy ở một cô bé 16 tuổi là nét trong veo, ánh mắt rất ngây ngô, nụ cười rạng rỡ và có nét xưa của người phụ nữ Nam Bộ. Thứ hai là sự mộc mạc, chân thành và đặc biệt duyên dáng đọng lại trong người con gái miền Tây hiện đại và hội nhập. Dù chưa có nhiều trải nghiệm trong các cuộc thi lớn nhưng Mai đã trình diễn với phong thái rất tự tin, truyền năng lượng cho tất cả mọi người trong trang phục Áo bà ba. Đây cũng là tiêu chí quan trọng nhất để BGK quyết định chọn Tuyết Mai nhận danh hiệu “Đại sứ Áo bà ba” năm nay.
Thầy Nguyễn Phú cùng ban giám khảo cuộc thi.
Là một người tiên phong trong công tác tuyên truyền, tạo cảm hứng cho các thế hệ người mẫu, hoa khôi, hoa hậu… tại vùng ĐBSCL, thầy có cảm nghĩ gì về sứ mệnh và trọng trách mình đã và đang tâm huyết thực hiện?
Hơn 30 năm xây dựng và hoàn thiện Công ty Người mẫu Tây Đô, đến nay, điều làm tôi hạnh phúc nhất chính là được các em nhớ đến, tìm về mỗi dịp đặc biệt trong năm. Với tôi, công việc tìm tòi và đào tạo ra các nhân tố đại diện cho nét đẹp vùng ĐBSCL đi thi các cuộc thi cấp quốc gia là một sứ mệnh gắn với tôi cả đời, tôi hạnh phúc vì đã có những đóng góp nhỏ đó cho địa phương, cho xã hội.
Về đạo đức nghề, tôi luôn hướng học trò mình trước tiên phải thành đạt về tri thức, sau đó hãy nghĩ đến danh vọng, tiền tài và những thứ sau đó. Xã hội phát triển, nếu bạn không cố gắng nâng cao tri thức thì xã hội sẽ đào thải bạn. Tôi vẫn đang làm việc đó mỗi ngày để các thế hệ học trò tôi dẫn dắt noi theo, điều đó được chứng minh bằng thực lực, tài năng và sự thành công của bản thân, của học trò trên mỗi dặm đường phía trước.
Sắp tới, thầy có dự định gì để góp phần thúc đẩy du lịch của địa phương hay không?
Sắp tới, tôi ấp ủ kì vọng sẽ có một địa điểm tại Chợ nổi Cái Răng để giữ chân du khách lâu hơn. Thông qua việc thực hiện mô hình đờn ca tài tử; khu trưng bày những chiếc Áo bà ba của các chàng trai, cô gái Nam Bộ; Các cuộc thi nho nhỏ để du khách được chiêm ngưỡng nét đẹp của người phụ nữ Tây Đô thời kì hội nhập nhưng vẫn giữ được nét truyền thống trong bộ bà ba Nam Bộ xưa và nay. Và tôi mong muốn được thực hiện các phần việc trên theo mô hình sân khấu hóa, để du khách được trực tiếp giao lưu cùng người miền Tây chúng ta.
– Cảm ơn thầy Nguyễn Phú vì buổi trò chuyện đầy ý nghĩa.
Phùng Thảo
(nguồn: THTPCT)